CƠ CHẾ MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP (DPPA)

01/05/2020, Array

Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát năng lượng tái tạo (DPPA): Xu hướng, lợi ích và các mô hình điển hình đang được áp dụng trên thế giới.

Cơ chế DPPA là gì?

Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (DPPA - Direct Power Purchase Agreement), theo kinh nghiệm quốc tế còn được biết đến như là PPA vật lý (physical PPA) hoặc PPA tài chính (financial PPA), PPA tập đoàn (corporate PPA) hoặc PPA bán lẻ (retail PPA), được áp dụng đầu tiên tại Hoa Kỳ từ năm 2008 trên cơ sở đề xuất và thúc đẩy của một số Tập đoàn lớn như Google, Microsoft, Apple, T&T…có cam kết tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Tính tới cuối năm 2018, tổng công suất mua bán điện theo cơ chế DPPA tại Hoa Kỳ đã lên tới 18.141 MW (so với 650MW năm 2008), chiếm khoảng 71% tổng công suất của các dự án DPPA trên thế giới năm 2018 (khoảng 25.800 MW). Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi (EMEA) và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) hiện chiếm khoảng một phần tư thị trường DPPA còn lại, trong đó nổi lên là sự gia tăng tại các nước như Úc, Singapore và Đài Loan.

Các lợi ích cơ chế DPPA đem lại là gì?

Cơ chế DPPA là cơ chế cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững (điển hình là khách hàng công nghiệp hoặc thương mại, sau đây viết tắt là “Khách hàng”) tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện được từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (sau đây viết tăt là “Đơn vị phát điện”) thông qua một hợp đồng song phương dài hạn có giá và thời hạn hợp đồng do hai bên thỏa thuận và thống nhất. Cơ chế DPPA được thiết kế và thực hiện có hiệu quả sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia cụ thể như: - Khách hàng (các tập đoàn, công ty có nhu cầu sử dụng một lượng điện lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh) tham gia vào cơ chế DPPA do thông qua cơ chế này một mặt họ đáp ứng được các cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững (ví dụ: RE100, REBA); mặt khác họ cũng đảm bảo được nguồn cung năng lượng trong dài hạn và giảm thiểu được rủi ro về chi phí sử dụng năng lượng trong tương lai do có thể đàm phán và cố định được giá mua điện. - Nhà đầu tư phát triển dự án tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA do đạt được ổn định / có thể dự báo được doanh thu trong dài hạn nhờ một phần lớn hoặc toàn bộ sản lượng điện sản xuất sẽ chắc chắn được mua bởi một khách hàng có uy tín cao với giá bán điện được cố định trong dài hạn. Thông qua việc đạt được các thỏa thuận trong dài hạn với một khách hàng có uy tín cao (thường là các Tập đoàn/Công ty lớn, có tiềm lực tài chính mạnh), các đơn vị phát triển dự án có thể giảm thiểu rủi ro tài chính dự án và dễ dàng hơn trong tiếp cấp các nguồn tài chính có hạn để thực hiện phát triển dự án. Mặc dù hiện tại ở nhiều thị trường các đơn vị phát triển dự án đều có thể lựa chọn việc ký kết hợp đồng dài hạn với các đơn vị điện lực, tuy nhiên, cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA vẫn đang ngày càng được áp dụng rộng rãi hơn do nó có thể đem lại các lợi ích / thỏa thuận đa dạng hơn. Ví dụ, các hợp đồng DPPA có cung cấp một mức giá cố định / giá sàn cho một dự án tốt hơn so với mức giá hiện tại trên thị trường. Đối với nền kinh tế, Cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA đem lại một số lợi ích cụ thể cho nền kinh tế như (i) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các Tập đoàn quốc tế có cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo (các doanh nghiệp tham gia nhóm RE-100, REBA, … như: Apple, Google, Nike, Heineken, H&M, …); (ii) Tăng cường năng lực sản xuất điện năng lượng tái tạo thông qua tạo động lực mạnh mẽ để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo; (iii) Giảm sức ép về tài chính cho Chính phủ / Tập đoàn nhà nước trong việc đầu tư phát triển các nguồn điện năng lượng tái tọa mới hoặc cung cấp trợ giá thông qua cơ chế giá FIT; (iv) và cho phép phân phối điện công bằng hơn cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Có hai dạng điển hình của cơ chế DPPA là DPPA vật lý (physical PPAs) và DPPA tài chính (Financial PPAs). Trong đó, DPPA vật lý được biết tới với 2 cấu trúc là PPA có đường dây riêng (Private Wired PPA) và PPA môi giới (Sleeved PPA); trong khi DPPA tài chính thường được biết đến với tên gọi  PPA tổng hợp (Synthetic PPA) hoặc PPA ảo (Virtual PPA).

Các mô hình của Cơ chế DPPA đang được áp dụng trên thế giới?

Trường hợp khách hàng có thể kết nối vật lý với các tài sản hoặc nhà máy của Đơn vị phát điện (cùng hoặc gần vị trí địa lý), các bên thường tham gia một PPA vật lý bằng cách sử dụng một đường dây truyền tải kết nối trực tiếp (do tư nhân đầu tư) để cung cấp một lượng điện xác định tới khu vực của Khách hàng sử dụng điện. Hợp đồng này còn được gọi là DPPA có đường dây riêng (Direct Private Wire PPA) hay DPPA sau công tơ (Behind The Meter PPA). Trong khi các PPA đường dây tư nhân trực tiếp là một dạng hợp đồng khá đơn giản, cơ quan điều tiết điện vùng sẽ phải đưa ra quyết định xem liệu Đơn vị phát điện có thể bán điện thừa vào lưới điện hay không. Tương tự như vậy, vì nhu cầu của Khách hàng hoặc biểu đồ phụ tải không phù hợp với quy mô sản xuất của GENCO, Khách hàng sẽ cần phải duy trì kết nối với Đơn vị bán lẻ điện. Các điểm cơ bản của cấu trúc này được mô tả ở Hình 1.

Hình 1. Dòng tài chính, điện năng và hợp đồng trong DPPA có đường dây riêng

Trường hợp khách hành không thể kết nối vật lý với các tài sản hoặc nhà máy của Đơn vị phát điện, các bên có thể thực hiện các giao dịch theo cấu trúc PPA môi giới (Sleeved PPA) hoặc PPA tổng hợp / ảo (Synthetic / Virtual PPA), cụ thể như sau: - PPA môi giới (Sleeved PPA) là mô hình cung cấp cho Đơn vị phát điện khả năng bán điện chắc chắn thông qua một thỏa thuận mua bán với Khách hàng có uy tín và cả hai bên phải dựa vào một Đơn vị bán lẻ và cung cấp dịch vụ lưới điện tương ứng để truyền tải, phân phối điện, đồng thời bù đắp cho Đơn vị bán lẻ điện thông qua một "phí dịch vụ". Có nhiều cách để thực hiện cấu trúc này, nhưng một trong những phương pháp phổ biến nhất là phương thức "PPA giáp lưng" (back-to-back PPA). Trong đó, Khách hàng trước tiên tham gia vào một PPA với Đơn vị phát điện để mua một lượng điện xác định với mức giá cố định; để đổi lấy mức giá cố định đó trong dài hạn, Đơn vị phát điện bán điện vào lưới qua SMO với giá trên thị trường cạnh tranh và Đơn vị phát điện ngay lập tức chuyển giao lại giá hoặc doanh thu bán điện đó cho Khách hàng. Khách hàng tiếp sau đó sẽ tham gia một PPA giáp lưng (Back-to-back PPA) với một Đơn vị bán lẻ Điện (đơn vị cung cấp điện thực tế cho Khách hàng) theo giá bán điện quy định tại điểm phụ tải của khách hàng cộng với chi phí cho các dịch vụ truyền tải, phân phối điện và cân bằng hệ thống điện (phí dịch vụ). Các giao dịch cơ bản của mô hình này được thể hiện tại Hình 2.

Hình 2. Dòng tài chính, điện năng và hợp đồng trong DPPA môi giới (Sleeved PPA)

- DPPA tài chính (Synthetic / Virtual PPA), giống như các DPPA vật lý, được giao dịch trực tiếp giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng, nhưng sự khác biệt quan trong là không có sự giao nhận điện năng vật lý trong cấu trúc này. Theo mô hình này, Đơn vị phát điện sẽ bán điện trực tiếp vào lưới điện theo giá của thị trường điện giao ngay, đồng thời ký kết trực tiếp với Khách hàng một hợp đồng tài chính song phương dạng chênh lệch (Contract for Differences) với sản lượng và giá hợp đồng do hai bên thỏa thuận, xác định trước cho một khoảng thời gian nhất định. Hợp đồng tài chính song phương này hoạt động như một công cụ giúp các bên quản lý rủi ro tài chính, cụ thể, nếu giá bán điện của Đơn vị phát điện trên thị trường điện giao ngay tại thời điểm giao dịch lớn hơn giá điện hợp đồng cam kết thì Đơn vị phát điện sẽ thanh toán cho Khách hàng số tiền vượt mức do chênh lệch giá tương ứng với sản lượng cam kết của hợp đồng và ngược lại. Ngoài ra, Khách hàng vẫn sẽ ký kết với Đơn vị bán lẻ điện để mua điện cho nhu cầu tiêu thụ thực tế của mình với giá điện bằng với giá điện năng mua trên thị trường điện giao ngay cộng với các chi phí cung cấp dịch vụ (truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ và điều hành hệ thống điện). Các giao dịch trong mô hình DPPA tài chính được thể hiện tại Hình 3 ở dưới.

Hình 3. Dòng tài chính, điện năng và hợp đồng trong DPPA tài chính

Trong số các cấu trúc DPPA điển hình nêu trên, cấu trúc DPPA tài chính có độ linh hoạt cao hơn so với các cấu trúc khác nên thu hút nhiều tâp đoàn, công ty tham gia hơn, vì: Ở các khu vực chịu điều tiết khách hàng có thể cố định giá hợp đồng dài hạn ở mức dưới giá thị trường; khách hàng có nhiều điểm phụ tải xuyên suốt lưới điện có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo với ít giao dịch hơn; các khách hàng tham gia DPPA có thể giảm được ảnh hưởng tới các Đơn vị cung cấp điện hiện hữu (utilities) và chỉ giao dịch trên thị trường điện bán buôn hoặc thực hiện các giao dịch tài chính trực tiếp với Đơn vị phát điện. Tuy nhiện, việc lựa chọn áp dụng mô hình nào còn tùy thuộc vào đánh giá mức độ phù hợp của từng mô hình với bối cảnh, mục tiêu, tình hình phát triển và khung pháp lý cụ thể của từng quốc gia. Trong bài viết tiếp theo sẽ giới thiệu cụ thể hơn về kinh nghiệm thực hiện cơ chế DPPA tại một số quốc gia và các bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam. Nguồn tham khảo: Cục ĐTĐL. CÔNG TY CỔ PHẦN EPC ĐIỆN MẶT TRỜI VIỆT NAM 63 Trương Công Hy, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng Hotline: 079 664 8899 Fanpage: EPCSOLARVN

News Related

There are no comment for this news.

Write a comment: