Bộ Công Thương đề xuất phê duyệt thêm 11.000 MW điện gió, mặt trời

11/11/2019, Array

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại nghị trường Quốc hội chiều 6/11 cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019- 2020 và kéo dài tới 2022-2023. Nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

Lãnh đạo ngành công thương cho biết nguyên nhân lớn nhất là điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, các thuỷ điện không đủ tích nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ và một số dự án vùng Tây Nam Bộ.

Để đảm bảo cung cầu điện, đại diện Bộ Công Thương thông tin về một số biện pháp đã báo cáo Chính phủ để thống nhất triển khai trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, điện khí, thủy điện và cả điện mặt trời.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ trình Chính phủ cơ chế mới về điện mặt trời với phương án thấp bổ sung thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.500 MW điện gió. Trong trường hợp thiếu trầm trọng khi thủy điện không đủ nước, người đứng đầu ngành công thương cho hay sẽ phải cấp phép cho các dự án điện mặt trời, đặc biệt là tại các khu vực phụ tải cao như khu vực Tây Nam Bộ và các vùng công nghiệp miền Đông để huy động cao hơn. Cụ thể, nguồn điện mặt trời phải huy động 8.000 MW và điện gió là 3.000 MW.

Tính đến ngày 30/6, cả nước có 87 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động với tổng công suất lắp đặt 4.464 MW, chiếm 8,3% hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy này tập trung ở Ninh Thuận và Bình Thuận gây quá tải cho hệ thống lưới truyền tải. Công suất ở một số nơi mới chỉ giải tỏa ở mức 30-40%.

Bộ cũng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán mua khí từ Malaysia, Thái Lan đảm bảo cung ứng điện cho khu vực miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Ngành công thương cũng tính toán phương án chuyển đổi cơ cấu phát điện của một số nhà máy điện, như Điện Hiệp Phước chuyển từ chạy dầu sang dùng khí LNG nhập khẩu. Dự án này chuyển đổi sẽ có thêm công suất 400 MW.

"Tất cả phương án này cộng thêm với việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để điều hành về thuỷ điện, thuỷ lợi thì sẽ có điều kiện để đảm bảo đủ điện cho năm 2019- 2020 và tiếp tục tính toán trong kế hoạch sắp tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Về dài hạn để phát triển bền vững lĩnh vực năng lượng, Bộ tính tới phát triển các trung tâm điện lực khí lớn như Long Sơn, Cà Ná và Bạc Liêu. Lãnh đạo Bộ cho biết sẽ đề xuất Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện VIII 8 trung tâm điện khí lớn vì Việt Nam hiện không còn khả năng phát triển điện than.

(Nguồn: Báo Người đồng hành) EPC SOLAR VN Tham khảo bài viết: Năm 2020, EVN dự kiến huy động 8,6 kWh nguồn điện chạy dầu

News Related

There are no comment for this news.

Write a comment: