-
Giỏ hàng của bạn trống!
Bộ Chính trị khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng
22/02/2020,
Array
EPC Solar - 9h00 - 22/02/2020
Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết).Loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu minh bạch
Theo đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị đánh giá, trong 15 năm qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Theo Bộ Chính trị, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Đặc biệt, một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.
Theo Bộ Chính trị, một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là chậm giải quyết những vướng mắc về phương hướng phát triển các nguồn năng lượng và cụ thể hoá cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực này.
Từ đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu quan điểm: phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Về mục tiêu, Nghị quyết cũng yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý, cũng như yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tới năm 2045, hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đẩy mạnh khai thác dầu khí gắn với bảo vệ chủ quyền trên biển
Về những giải pháp để thực hiện mục tiêu nêu trên, Nghị quyết khẳng định cần đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; rà soát, có chiến lược chủ động và hiệu quả trong hợp tác về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài.
Về khai thác than, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng mới chiến lược phát triển ngành than gắn với nhiệm vụ đầu tư hiệu quả ra nước ngoài và nhập khẩu than dài hạn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than đồng bằng sông Hồng.
Về năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Nghị quyết này cũng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững ngành điện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó, ưu tiên phát triển phù hợp với điện gió và điện mặt trời; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu rà soát tổng thể và có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.
Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường.
Nguồn: Báo Thanh niên - 18/02/2020